Sứ mạng

Đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ đại học, sau đại học bảo đảm chất lượng; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đóng góp hiệu quả vào công tác đào tạo và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân..

Tầm nhìn

Phát triển Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng theo hướng ứng dụng và phát triển Bệnh viện Trường hiện đại, phục vụ nhu cầu đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giá trị cốt lõi

Trách nhiệm – Chất lượng – Hợp tác – Phát triển

Chiến lược phát triển của Khoa Dược

TRƯỜNG ĐẠI HỌC

KỸ THUẬT  Y – DƯỢC ĐÀ NẴNG

KHOA DƯỢC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 01 năm 2020

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA DƯỢC 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT Y – DƯỢC ĐÀ NẴNG

GIAI ĐOẠN 2020 - 2030, TẦM NHÌN 2045

 

A. PHÂN TÍCH BỐI CẢNH

1. Bối cảnh thế giới

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 đang diễn ra, làm thay đổi cuộc sống loài người với tốc độ chóng mặt. Nền y học thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ với sự vận dụng khoa học kỹ thuật sâu vào việc điều trị bệnh. Nền y học thế giới ngày càng đi sâu vào tầng mức vi mô của các vấn đề sức khỏe và cá biệt hóa. Cụ thể, WHO có đưa ra quan điểm về chẩn đoán, điều trị mới, trong đó xem trọng yếu tố cá biệt của từng người bệnh, cả bao gồm yếu tố sinh học thuần túy về cơ địa, miễn dịch, và cả yếu tố phi sinh học như văn hóa, dân tộc,…để đạt đến mức hiệu quả tối đa trong điều trị thay vì áp dụng chung nhất một phác đồ cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, khoa học ứng dụng cũng phát triển sâu hơn về mặt áp dụng cho từng trường hợp cá biệt, bên cạnh việc áp dụng chung một cách phổ biến như trước nay vẫn có.

Một điểm nữa là Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, và khu vực ASEAN, các cơ sở giáo dục – đào tạo đều mong muốn mở rộng mạng lưới hợp tác của mình để tranh thủ nguồn lực chung cho sự phát triển, đặc biệt là sử dụng các ý tưởng mới (new ideas) – nguồn tài nguyên chính của kinh tế tri thức, cơ sở của cách mạng KHCN 4.0 và thứ quý giá nhất hiện nay. 

Không gian kinh tế chung ASEAN đã hình thành và sắp có luân chuyển lao động, cả trong ngành y tế mà bước đầu là Bác sĩ đa khoa, Điều dưỡng và Nữ Hộ sinh và tương lai là các ngành khác khác. Điều này sẽ gây sức ép rất lớn thúc đẩy giáo dục y tế Việt Nam phải theo chuẩn chung; và nói lên sự biến động và thay đổi không gian của thị trường lao động trong thời gian đến.

2. Bối cảnh trong nước

2.1. Phương hướng chỉ đạo của Đảng, chủ trương của Nhà nước 

          - Nghị quyết ĐH Đảng đã xác định phải đổi mới toàn diện, nhanh chóng nền giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Đại học nói riêng. Nền giáo dục Việt Nam phải hướng đến hội nhập quốc tế và khu vực ASEAN. Trong đó, các trường ĐH Y Dược đang bắt buộc phải chuyển mình để thay đổi nhằm đáp ứng được chuẩn chung của thế giới và khu vực ASEAN.

          - Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ tiếp tục triển khai công tác khuyến học, khuyến tài trong giai đoạn tiếp theo, trước mắt là giai đoạn 2020-2030, giai đoạn phát triển kinh tế tri thức dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

       - Ngày 15 tháng 01 năm 2019 Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025, trong đó nêu rõ mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.”

2.2. Tình hình lĩnh vực giáo dục y tế

Hiện nay, các trường ĐH dân lập và tư thục được phép mở các mã ngành đào tạo Y – Dược và tuyển sinh ồ ạt, làm dôi dư thị trường lao động ngành Y tế nhưng chất lượng đội ngũ lao động không đồng đều. Điều này buộc các trường công lập phải cải tiến, biến đổi để nâng cao chất lượng giáo dục của mình, không thể bị động chờ đợi, hay trốn vào ánh hào quang quá khứ và sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có cả ĐHKT Y - Dược Đà Nẵng - một trường hơn 50 năm truyền thống tham gia giáo dục y tế. Vì xã hội đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ và hiện người dân quan tâm hiện tại nhiều hơn là quá khứ. Cũng như tương lai trung hạn về việc dư nguồn cung sản phẩm giáo dục y tế, dẫn đến đầu ra khó khăn cho sinh viên khi đi tìm việc làm dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn nữa.

Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của ngành Dược học của các trường Y Dược công lập tăng đều qua các năm. Không chỉ vậy, các trường dân lập, tư thục đều đang hướng đến việc mở ngành này để đa dạng hóa ngành học và tối ưu hóa lợi nhuận (tận dụng điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực nhóm ngành Y Dược). Như vậy, nguồn cung lực lượng lao động trong ngành đang dần tăng lên.

3. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức

3.1. Điểm mạnh

ĐHKT Y - Dược Đà Nẵng là một trường công lập trực thuộc Bộ Y tế, được sự quan tâm của lãnh đạo ngành, trong quy hoạch, phát triển chính sách. Cụ thể, được nằm trong quy hoạch dài hạn của Bộ, được hưởng các ưu đãi hỗ trợ của Bộ chủ quản dành cho (chẳng hạn sự quan tâm sâu sát, được tạo điều kiện tham gia các dự án phát triển của Bộ – dự án Nâng cao chất lượng y tế duyên hải miền Trung,…). Được làm việc trực tiếp và nhanh chóng đối với các xu hướng thay đổi do hệ thống quản lý nhà nước đang đề xướng.

Trường cũng là một trường có truyền thống lâu năm, nền tảng uy tín trong xã hội và trong ngành vẫn còn dấu ấn. Sinh viên tốt nghiệp ngành Dược học từ trường nhận được sự công nhận về chất lượng từ các cơ sở sử dụng lao động.

Khoa Dược có kinh nghiệm phong phú, bề dày truyền thống trong việc đào tạo cán bộ dược qua thời gian lâu dài.

Hiện tại, lãnh đạo trường và lãnh đạo Khoa  có nhận ra được tình hình đòi hỏi thay đổi cấp bách và vị thế hiện nay của trường trên đường đến tương lai.

3.2. Điểm yếu

Nhiều CB-GV-CNVC chưa nhận thức được nguy cơ của trường trong tình hình thực tiễn hiện nay, vẫn còn tư tưởng bảo thủ, không thay đổi bản thân nên guồng máy cải tiến chưa thể vận hành nhanh được. Như hầu hết các trường công lập, nhiều đơn vị của trường hiện thiếu năng lực quản trị hiện đại và văn hóa làm việc thời đại số hóa, vẫn mang nặng cách làm việc thời bao cấp, chưa đổi mới, thụ động và kém sáng tạo.

Trường phát triển đi lên từ trường Trung cấp, lên Cao đẳng (năm 2006) và Đại học (2013) trong một khoảng thời gian quá ngắn, nên nhận thức, vận hành, của hệ thống cũng như phương pháp giáo dục của nhiều GV và VC còn mang phong cách của một trường Trung cấp, Cao Đẳng. Hơn nữa, năng lực nghiên cứu khoa học chung của GV cần phải nâng cao để phát triển nghiên cứu và xuất bản quốc tế. Đây vẫn là một trường ĐH Y Dược non trẻ. 

Hiện tại, nhân lực để đảm bảo các chức năng hoàn chỉnh của một trường đại học để hoạt động hiệu quả chưa hoàn chỉnh, thiếu về số lượng, còn non trẻ về chất lượng. Lực lượng GV có tuổi nghề, có kinh nghiệm cả giảng dạy và đi lâm sàng, có mạng lưới quan hệ xã hội rộng đang lần lượt nghỉ hưu, trong khi đội ngũ lứa tuổi trung gian thì quá ít, nên hiện tại và tương lai gần, đa số GV của trường là GV trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ xã hội cần thiết cho hoạt động của nhà trường, của Khoa. 

Phần lớn cán bộ quản lí đều trưởng thành từ công tác chuyên môn, ít được đào tạo về thực tiễn quản trị đại học. Mức độ tự chủ còn thấp.

Cơ sở vật chất đang được xây dựng, chưa hoàn thiện hoàn toàn.  

Đa phần GV trẻ, tuyển dụng từ giai đoạn trường đang là trường cao đẳng, nên trong khoảng thời gian 5 – 8 năm sau khi trường nâng cấp thành trường đại học, phải ưu tiên sắp xếp thời gian cho các GV này lần lượt đi học nâng cao trình độ lên Thạc sĩ và Tiến sĩ.  

3.3. Cơ hội và thách thức

Trường tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và các cơ quan ban ngành liên quan. Đây là cơ sở quan trọng để trong thời gian ngắn nhất trường phải tranh thủ để phát triển thành một cơ sở đào tạo uy tín   nhất trong nước và trong khu vực.

Ngày 30-5-2019 Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 1499/QĐ-BGDĐT ban hành  Kế hoạch triển khai Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025” trong giai đoạn 2019 - 2025 tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo trong Hệ thống giáo dục đại học phát triển.

Việt Nam đang không ngừng phát triển, cùng với xu hướng dân số đang có tốc độ già hóa nhanh, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế, đặt biệt là các dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân càng lớn. Đây là những nhân tố cơ bản dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành Dược ở Việt Nam, mang đến cơ hội việc làm vô cùng tiềm năng và rộng mở cho sinh viên ngành Dược.

Hiện đang có sự hội nhập sâu ở khu vực, các trường ở các nước Thái Lan, Singapore, Phillipine, Nhật Bản, Hàn Quốc,… tìm đến Việt Nam để tìm đối tác. Vì vậy, nếu tích cực tham gia vào các mạng lưới này, và tham gia một cách khôn khéo, hiệu quả thì sẽ có nhiều cơ hội nương theo sự phát triển của các cơ sở hàng đầu trong khu vực và thế giới để tiến nhanh hơn. Đây là một cơ hội hàng đầu. 

Do bối cảnh hội nhập, nên việc đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu và khu vực sẽ là điều bắt buộc phải thực hiện. Và đó cũng là cơ hội để trường và Khoa Dược đưa mình vào thế phải đổi mới để tồn tại. 

Thách thức lớn nhất đến từ vấn đề nội tại của trường, của khoa Dược. Nếu không có giải pháp kịp thời thay đổi tư duy của tập thể, đổi mới phát triển đội ngũ nhân lực thì trường rất dễ bị tụt hậu lại phía sau. Thách thức từ bên ngoài gồm có sự cạnh tranh của các cơ sở giáo dục khác (đặc biệt là khối dân lập) trong không gian đào tạo và thị trường lao động và khả năng bị tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua phát triển. 

Khắc phục những khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội, phát huy nội lực để tạo đà phát triển mạnh mẽ trên cơ sở ổn định, bền vững là nhiệm vụ của toàn thể tập thể Khoa Dược, vì sự tồn tại và phát triển chung của tập thể.

B. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CỦA KHOA DƯỢC - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT Y – DƯỢC ĐÀ NẴNG TẠI THỜI ĐIỂM 2020

1. Tổ chức, nhân sự

1.1. Về tổ chức 

Đến 2020, Khoa Dược có 06 Bộ môn, gồm: 

- Bộ môn Hóa dược: 05 GV

- Bộ môn Dược lý - Dược lâm sàng: 05 GV, 01 CB,

- Bộ môn Dược liệu - Thực vật - Dược học cổ truyền: 05 GV, 01 CB

- Bộ môn Bào chế - Công nghiệp dược: 05 GV, 01 CB

- Bộ môn Kiểm nghiệm thuốc: 04 GV, 01 CB.

- Bộ môn Quản lý và Kinh tế dược: 04 GV

Cơ cấu lãnh đạo của Khoa hiện đang bao gồm 01 phó Trưởng Khoa phụ trách, 02 Phó trưởng Khoa.

Lãnh đạo cấp Bộ môn gồm: 

- Bộ môn Hóa dược: 01 trưởng BM (phó trưởng khoa kiêm nhiệm)

- Bộ môn Dược lý - Dược lâm sàng: 01 phó trưởng BM phụ trách (phó trưởng khoa kiêm nhiệm), 01 phó trưởng BM

- Bộ môn Dược liệu - Thực vật - Dược học cổ truyền: 01 phó trưởng BM phụ trách

- Bộ môn Bào chế - Công nghiệp dược: 01 phó trưởng BM phụ trách (phó trưởng khoa phụ trách kiêm nhiệm), 01 phó trưởng BM

- Bộ môn Kiểm nghiệm thuốc: 01 phó trưởng BM phụ trách.

- Bộ môn Quản lý và Kinh tế dược: 01 phó trưởng BM phụ trách.

1.2. Về nhân sự 

- Đến tháng 08/2020, Khoa Dược có 32 nhân sự, gồm 28 giảng viên cơ hữu và 04 cán bộ Dược bậc 4.

- Trong đó có trình độ sau đại học 28 người (gồm 02 TS, 06 đang học NCS, 18 ThS, 02 đang học Cao học) và 04 cán bộ dược bậc 4 đang học đại học. 

- Có 31/32 GV, CB trong biên chế. 

- 01 cán bộ kiêm nhiệm của Khoa hiện đang đảm nhiệm công tác Dược cho hoạt động của Trung tâm Chẩn đoán Y khoa của trường.

1.3. Về hệ thống Đảng, Đoàn thể 

- Chi bộ Khoa dược gồm: 10 đảng viên (01 Đảng viên đang học NCS nên chuyển sinh hoạt tạm thời tại Đại sứ quán ở Thái Lan). Nam: 6; Nữ: 4.             

+ Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ: 01. Thạc sỹ: 09

+ Trình độ LLCT: Trung cấp: 07;  Sơ cấp: 03

+ Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo: 05

Chi bộ Khoa dược luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy. Đồng thời trong chi bộ có 01 đồng chí là Đảng ủy viên nên việc tiếp thu thông tin, triển khai chủ trương và kế hoạch của Đảng bộ Nhà trường hết sức thuận tiện và kịp thời. Đảng viên trong Chi bộ chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nội quy và quy chế của ngành cũng như của Nhà trường, luôn thực hiện được vai trò gương mẫu của người đảng viên, giảng viên trong Nhà trường và người công dân tốt trong xã hội.

- Tổ Công đoàn Khoa dược là Tổ công đoàn quản lý các công đoàn viên của Khoa dược. Trong thời gian qua, công đoàn Khoa Dược đã tham gia các hoạt động phong trào chào mừng các dịp lễ lớn như 27/2, 8/3, 19/5, 20/10, 20/11 hằng năm với nhiều hình thức phong phú. Công đoàn viên của khoa còn tích cực tham gia các hoạt động hội thao do nhà trường và công đoàn y tế phát động tổ chức và đã đạt được nhiều giải thưởng lớn. Công đoàn viên cũng đã nhận được bằng khen của Công đoàn y tế Việt Nam.

 - Đoàn TNCS HCM của Khoa Dược (gọi là liên chi đoàn khoa Dược) trực thuộc Đoàn trường ĐH KT Y – Dược Đà Nẵng. Ban chấp hành liên chi đoàn khoa gồm 09 thành viên gồm: 01 bí thư, 01 phó bí thư và 07 ủy viên. Các thành viên trong Ban chấp hành liên chi có tham gia trong Ban chấp hành Đoàn trường các khóa từ năm 2015-2020.  Hiện tại có 02 Đoàn viên trong nhóm GV trẻ của Khoa đồng hành cùng sinh viên. Tuy nhiên, trong tất cả các hoạt động của liên chi đoàn luôn có sự tham gia hỗ trợ của các công đoàn viên và đảng viên trực thuộc khoa. 

Trong giai đoạn 2015-2020 Liên chi đoàn khoa Dược đã có các hoạt động thiết thực như: ngày chủ nhật xanh, chương trình thay lời muốn nói nhân các ngày 20/11 hằng năm, chương trình đón tân sinh viên, hoạt động hội trại, chương trình tiếp nối thế hệ, các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện hè và hiến máu tình nguyện, vế xe về tết hổ trợ các bạn nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn….Đoàn viên trong liên chi đoàn và các sinh viên đã xây dựng các câu lạc bộ thiết thực hổ trợ học tập như: câu lạc bộ kỹ năng sinh viên, tiếng Anh, NCKH, Kinh tế Dược; các khoá tập huấn kỹ năng mềm được triển khai hiệu quả. Đoàn viên, sinh viên tham gia các cuộc thi khoa học như “Hult Prize Đông Nam Á”, đăng ký tham dự giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka” Đặc biệt, Giảng viên bộ môn Quản lý- kinh tế dược thành lập group “ Hỗ trợ Công việc – Dược YDN” kết nối Đoàn viên, sinh viên với cựu sinh viên, sinh viên với nhà tuyển dụng, hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp sớm có việc làm đúng định hướng. Liên chi đoàn có nhiều đoàn viên đạt bằng khen sinh viên 5 tốt cấp thành phố và đoàn viên đạt bằng khen sinh viên 5 tốt cấp Trung ương Đoàn năm 2019.

2. Công tác

2.1. Đào tạo

Khoa bắt đầu đào tạo bậc đại học từ năm 2013 khi trường được nâng cấp thành trường Đại học (cùng với 02 ngành được mở đào tạo đầu tiên là Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học). 

Kết quả học lực khá giỏi và tốt nghiệp của Sinh viên qua các năm:

Nội dung

Năm học 2017-2018

Năm học 2018-2019

Năm học 2019-2020

Chỉ tiêu (%)

Đạt (%)

Chỉ tiêu (%)

Đạt (%)

Chỉ tiêu (%)

Đạt (%)

Tỷ lệ học tập Khá giỏi

> 90

92,4 (800/866)

> 90

93,0 (822/884)

> 90

92,1 (853/926)

Tỷ lệ tốt nghiệp

100

100

100

100

100

99,3

 

Hằng năm Khoa Dược đều đạt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra

Hiện tại, với nhân lực của Khoa, theo quy định hiện hành, tỉ lệ SV/GV của Khoa vẫn đáp ứng đúng quy định hiện hành.

Khoa Dược luôn hoàn thành và vượt mức giờ giảng được giao, đảm bảo kế hoạch và tiến độ giảng dạy

Công tác biên soạn giáo trình: Trong thời gian qua khoa dược chỉ mới biên soạn được 06 giáo trình dạy đại học đạt 16,7% và 04 ngân hàng đề thi được nghiệm thu đạt 11,1% chỉ tiêu đề ra

2.2. Nghiên cứu khoa học

 Giai đoạn 2015 - 2020, Khoa Dược đã đạt được một số thành tích nhất định trong công tác NCKH.

Cụ thể, Khoa đã có 48 đề tài NCKH đã được nghiệm thu cấp cơ sở, 01 đề tài cấp tỉnh, 03 đề tài cấp cơ sở thành phố. Ngoài ra, các GV trong khoa đã tích cực tham gia các Hội nghị khoa học tại trường, Hội nghị Khoa học – Công nghệ Tuổi trẻ các Trường Đại học, Cao đẳng Y - Dược Việt Nam lần thứ 17. Hằng năm, đều có tổ chức các buổi Seminar cập nhật kiến thức mới.

Khoa cũng có 07 bài báo được đăng trên các tạp chí nước ngoài và 31 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước như Tạp chí Y học thực hành của Bộ Y tế, Tạp chí Y học cộng đồng, Tạp chí Y dược học TP. Hồ Chí Minh.

Mặt khác, các GV trẻ trong khoa cũng đã khuyến khích, hỗ trợ nhiệt tình SV tham gia NCKH, đã có 43 sinh viên cùng NCKH với giảng viên, Đặc biệt, sinh viên có 02 đề tài tham gia giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần thứ 23” do Trung tâm phát triển Khoa học Công nghệ trẻ - Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021, trong đó 01 đề tài đạt giải nhì.

2.3. Cơ sở vật chất – hệ sinh thái giáo dục

- Từ tháng 8 năm 2018 đến nay, Khoa Dược được làm việc, giảng dạy và học tập tại cơ sở 2 đóng tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cách cơ sở 1 khoảng 20km, diện tích mặt bằng 50.148 m2  

- Tại cơ sở 2 ngoài khu làm việc khoa Dược còn có khu thể thao đa năng và ký túc xá sinh viên với sức chứa khoảng 400 người dành riêng cho SV dược, các bộ phận thường trực của các Phòng chức năng như: CTCT&QLSV, QT-TTB, HCTH..

- Khu làm việc khoa dược gồm:

+ 01 Hội trường với sức chứa khoảng 500 người

+ Văn phòng Khoa: tầng 2

+ 05 giảng đường dạy học lý thuyết ở tầng 5 và tầng 4 sức chứa từ 80-150 SV Tất cả các giảng đường đều được trang bị máy chiếu projector/màn hình LCD -led cỡ lớn, hệ thống âm thanh đảm bảo công tác giảng dạy.

+ 26 phòng thực hành và làm NCKH

  Mặc dù ở cách xa cơ sở 1 việc đi lại của GV và SV có phần bất tiện nhưng sự chỉ đạo của BGH và phối hợp các phòng ban luôn trực tiếp và sát sao. Đặc biệt, môi trường làm việc luôn thoáng đãng, trong lành.

C. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA DƯỢC GIAI ĐOẠN 2020 - 2030

1. MỤC TIÊU - GIẢI PHÁP

1.1. Sự phát triển chung của Khoa Dược và văn hóa môi trường giáo dục – quản trị đại học

- Xây dựng bộ máy quản trị chuyên nghiệp, hiện đại và phương thức vận hành tiến bộ. 

- Kiện toàn tổ chức quản lý của Khoa ngang tầm nhiệm vụ, đạt tất cả các tiêu chuẩn quy định.

- Dần dần nâng tầm uy tín của Khoa Dược trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành, được xã hội công nhận. 

- Xây dựng bản sắc văn hóa của Khoa Dược, đáp ứng nhu cầu các tất cả các bên (CBVC, SV, xã hội).

 1.2. Công tác đào tạo - Đảm bảo chất lượng giáo dục 

- Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo

- Mở các chương trình đào tạo sau đại học: Chuyên khoa I, tiếp theo là chương trình đào tạo Thạc sĩ  dược.

- Đẩy mạnh công tác kiểm định chương trình đào tạo.

1.3. Công tác nghiên cứu khoa học và Quan hệ đối ngoại

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng

- Tăng cường hoạt động NCKH trong sinh viên

 - Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học, tăng cường hội nhập giáo dục

 - Xây dựng quan hệ hợp tác với các các đối tác bên ngoài, gồm các đơn vị thuộc các trường Y – Dược, các trường Công nghệ, Viện Nghiên cứu, và các doanh nghiệp (Công nghệ,…).

1.4. Phát triển nguồn lực

1.5.1.Nhân lực

- Đẩy mạnh việc chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên và đội ngũ quản lý.

- Sắp xếp lại nhân sự sao cho vị trí việc làm phù hợp với năng lực. Đặc biệt nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên hỗ trợ.

1.5.2.Vật lực (Cơ sở vật chất – hệ sinh thái giáo dục)

- Kiện toàn, phát triển Cơ sở vật chất – hệ sinh thái giáo dục, đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về phục vụ dạy học, quản lý chặt chẽ toàn hệ thống, tiến đến nâng cao dần nền tảng Cơ sở vật chất – hệ sinh thái giáo dục.

- Thường xuyên rà soát, nâng cấp, sử dụng hiệu quả trang thiết bị, đảm bảo yêu cầu dạy học và nghiên cứu khoa học.

2. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

2.1. Sự phát triển chung của Khoa Dược và văn hóa môi trường giáo dục – quản trị đại học

- Tập huấn, đào tạo về quản trị đại học cho đội ngũ quản lý.

- Tuyên truyền, phổ biến thông tin cho toàn thể CBVC để tập thể hiểu được các vấn đề đang tồn tại và yêu cầu bắt buộc phải thay đổi để tồn tại. Phổ biến, nhắc đi nhắc lại các giá trị văn hóa.

- Thực hiện công khai, minh bạch các vấn đề chung để tập thể hiểu rõ vấn đề và đồng lòng, chung sức.

- Thực hiện theo tiêu chuẩn kiểm định, tiến hành kiện toàn lại bộ máy, ban hành và làm chặt chẽ hóa các quy định, quy trình, biểu mẫu, chính sách…và liên tục cải tiến qua các năm.

2.2. Công tác đào tạo – Đảm bảo chất lượng giáo dục

- Duy trì, cải tiến chương trình đào tạo đại học dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Chuần năng lực Dược sĩ Việt Nam đã được Bộ Y tế ban hành 2019, theo hướng tiệm cận xu hướng các nước phát triển, hướng đến chất lượng đào tạo tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. 

 - Nghiên cứu hướng phát triển các chương trình liên kết, ngắn hạn. Đa dạng hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với lao động đã tốt nghiệp trình độ đại học trở theo nhu cầu thị trường lao động. Phát triển các mô hình đào tạo, các hình thức dạy - học trực tuyến, từ xa.         

- Nghiên cứu hướng phát triển các chương trình liên kết, ngắn hạn.

- Phát triển nhân lực GV phục vụ cho đào tạo chương trình đại học tốt hơn và phục vụ chương trình sau đại học. 

- Tiến hành soạn thảo dự thảo chương trình đào tạo sau đại học để rút ngắn thời gian cần có để có thể mở mã ngành đào tạo sau đại học. 

 - Tập huấn, chuẩn hóa đội ngũ kiêm nhiệm công tác Đảm bảo chất lượng giáo dục của chương trình. Thúc đẩy thực hiện các công tác để chuẩn bị kiểm định chương trình đào tạo theo chu kỳ quy định.

- Kế hoạch tuyển sinh ngành Dược học hàng năm: tham mưu với lãnh đạo nhà trường về chỉ tiêu của ngành Dược học hàng năm để số lượng SV luôn đảm bảo đúng quy định của Bộ GD-ĐT về tỉ lệ GV/SV.

2.3. Công tác nghiên cứu khoa học

  - Đảm bảo chất lượng của các hội nghị khoa học, chú ý đặc biệt nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hội thảo.

- 100% giảng viên tham gia NCKH. 

- Thực hiện tốt việc công bố các kết quả NCKH trên website của Trường và sử dụng tốt các nguồn tham khảo hữu ích phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

- Xây dựng và phát triển được 01 nhóm nghiên cứu mạnh.

- Thúc đẩy phong trào NCKH trong sinh viên.

Một số chỉ tiêu NCKH khác:

 - Đề tài NCKH cấp cơ sở (Trường): ít nhất 10 đề tài/năm. 

 - Bài báo khoa học quốc tế (hệ thống ISI, Scopus, ICE,…):       03 bài

 - Tham gia định kỳ các Hội thảo chuyên ngành trong nước, có uy tín. 

NCKH của sinh viên:

- Tăng cường khuyến khích sinh viên tham gia NCKH.

- Có ít nhất 01 đề tài NCKH của SV tham gia vào cuộc thi NCKH do nhà trường, thành phố hoặc các đơn vị khác tổ chức đạt giải.

- Có ít nhất 02 đề tài NCKH của SV (dưới sự hướng dẫn của giảng viên) được ấn bản trong tạp chí chuyên ngành. 

- Mời các cố vấn khoa học là các GS đầu ngành trong nước và quốc tế. Các GS sẽ hỗ trợ thiết kế nghiên cứu, viết báo, và hỗ trợ đồng xuất bản.

- Khuyến khích các đề tài không cần trường cấp kinh phí.

- Đề xuất nhà trường có chính sách khen thưởng với các tác giả đăng báo quốc tế có chỉ số IF cao.

- Tìm kiếm xây dựng các quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế được pháp luật cho phép.

- Phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác NCKH giữa trường và bệnh viện nhằm sử dụng hiệu quả ưu thế của mỗi bên (GV ở trường có thời gian tham khảo nhiều tài liệu học thuật, môi trường lâm sàng cho dữ liệu thực tế phong phú)

- Khuyến khích các GV đi học nước ngoài hỗ trợ thiết lập mới quan hệ Khoa – Khoa hoặc nương theo quan hệ trường – trường với các ĐH nước ngoài, và làm sâu sắc, hiệu quả hơn các mối quan hệ đã có. 

2.5. Phát triển nguồn lực

2.5.1.Nhân lực: 

- Chuẩn hóa trình độ GV (tối thiểu là Thạc sĩ cho tất cả GV).

- Nâng cao tỉ lệ Tiến sĩ, Phó GS, đảm bảo mỗi chuyên ngành có từ 1-2 TS.

- Chuẩn hóa đội ngũ nhân lực, nhân viên hỗ trợ thuộc Khoa quản lý, bao gồm nhân sự kiêm nhiệm: tất cả đều được đào tạo nghiệp vụ, và thường xuyên học bồi dưỡng nghiệp vụ, chất lượng hoạt động được đánh giá trung bình từ mức Khá trở lên. 

(theo phụ lục: Kế hoạch phát triển nhân lực của Khoa Dược 2020 - 2025)

 2.5.2.Vật lực (Cơ sở vật chất – hệ sinh thái giáo dục)

- Nâng cao hiệu quả trong việc vận hành các cơ sở thực hành , phòng lab, nhất là các lab có thiết bị tiên tiến. Thực hiện vận hành một cách quy củ, theo đúng nguyên lý: lên kế hoạch – thực hiện – rà soát – cải tiến - PDCA (plan – do – check – act).

- Khoa Dược tham mưu lãnh đạo trường thúc đẩy thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học. 

- Kiện toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống quản lý tài nguyên mạng chính thức của trường, gồm website, facebook, forum, … tích hợp với nhau, để nắm quyền điều hành nguồn thông tin chính thống của nhà trường trên các môi trường ảo, tránh để bị những kẻ xấu lợi dụng. 

- Tham mưu đề xuất với lãnh đạo nhà trường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc đào tạo chương trình sau đại học và trang bị để điều kiện môi trường giảng dạy phù hợp với điều kiện môi trường làm việc thực tế.

D. PHÁC THẢO TẦM NHÌN 2045

1. Sự phát triển chung của Khoa Dược và văn hóa giáo dục – quản trị đại học

- Duy trì bộ máy quản trị chuyên nghiệp, hiện đại và phương thức vận hành tiến bộ. 

- Tổ chức quản lý của Khoa Dược (số lượng, chất lượng) đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu quy định. Gồm đáp ứng đúng các yêu cầu cứng về bộ khung quản lý Khoa, và phát triển lớn mạnh về lực lượng.

 - Duy trì uy tín của Khoa Dược trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành, được xã hội công nhận; mở rộng các hoạt động hướng ra tầm quốc tế nhiều hơn nữa.

- Phát triển bản sắc văn hóa của Khoa Dược, đáp ứng nhu cầu tất cả các bên .

2. Công tác đào tạo - ĐBCLGD

- Chuyên nghiệp hóa công tác Đào tạo và đảm bảo chất lượng giáo dục, đủ điều kiện mở được các mã ngành đào tạo tiến sĩ, quốc tế hóa chương trình đào tạo đại học. 

 - Có giảng viên là người nước ngoài, Việt kiều hoặc người Việt Nam đang làm việc, giảng dạy ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại Khoa, đặc biệt là các chương trình đào tạo chất lượng cao.

 - Chương trình đào tạo của khoa đạt kiểm định theo các tiêu chuẩn của các tổ chức khu vực và quốc tế có uy tín.

 3. Công tác nghiên cứu khoa học

  - Nghiên cứu khoa học (NCKH) theo chuẩn và đạt trình độ quốc tế.

- Có kết quả nghiên cứu nổi bật, tạo ra những hướng nghiên cứu mũi nhọn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

- Có các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra; đẩy mạnh chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.

- Đảm bảo chất lượng của các hội nghị khoa học, chú ý đặc biệt nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hội thảo. 

- Bài báo khoa học quốc tế (hệ thống ISI, Scopus, ICE,…):       05 bài/ năm

- Phong trào NCKH của SV được duy trì và đẩy mạnh, chất lượng đề tài được nâng cao.

4. Phát triển nguồn lực

4.1.Nhân lực

- Mỗi bộ môn có ít nhất 1-2 Tiến sĩ, Khoa dược có giảng viên hàm Phó GS.

- Có đủ nhân lực đạt chuẩn để đảm bảo khoa có đủ các bộ môn đã thiết kế theo Quy chế tổ chức và Hoạt động của Nhà trường hiện nay.

4.2.Vật lực (Cơ sở vật chất – hệ sinh thái giáo dục)

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn đáp ứng đào tạo nhân lực theo yêu cầu thị trường lao động, đủ sức cạnh tranh với các trường đại học có uy tín trong khu vực;

- Có một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại đáp ứng được nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của khoa.

Tranh thủ nguồn lực từ sự quan tâm của Lãnh đạo nhà trường, xây dựng cơ chế mới linh hoạt, phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa năng lực nội tại, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ từ các nguồn hợp tác quốc tế, các dự án đầu tư của chính phủ và các tổ chức xã hội nhắm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.

 

 

Đà Nẵng, ngày ….. tháng … năm 2020

PHÊ DUYỆT CỦA

TRƯỞNG ĐƠN VỊ