Sáng ngày 30/11/2022, Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng đã đón tiếp và có cuộc họp trao đổi, chia sẻ thông tin về các hoạt động đào tào nhân lực y tế lĩnh vực Phục hồi chức năng và Ngôn ngữ trị liệu trong khuôn khổ dự án “Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” (tên gọi tắt Dự án Hòa nhập) với cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ban Chỉ đạo 701, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET).
Tham dự tại buổi làm việc có Thiếu tướng Hà Văn Cử – Tư lệnh Binh chủng Hoá học – Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo 701, khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), bà Aler Grubbs – Giám đốc (USAID) tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khanh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin, ông Nguyễn Hùng Minh – Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến và sức khoẻ dân số (CCIHP), ông Phạm Dũng – Giám đốc Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) cùng các thành viên trong đoàn công tác của các bên liên quan dự án.
Về phía Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng có TS Lê Văn Nho – Bí thư Đảng uỷ – Chủ tịch Hội đồng Trường, TS Hoàng Hữu Khôi – Đảng uỷ viên – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS Nguyễn Văn Song – Trưởng phòng quản lý KHCN và Hợp tác quốc tế, ThS Cao Thị Bích Thuỷ – Phó trưởng bộ môn Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần tăng cường, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam, trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai đào tạo khóa 9 tháng về Phục hồi chức năng (PHCN) chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu (NNTL) cho 30 cán bộ y tế tuyến quận, huyện của 5 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định nhằm đáp ứng các hoạt động can thiệp, hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Đây là mục tiêu mang tính bền vững của dự án và được Bộ môn Phục hồi chức năng Vật lý trị liệu của Nhà trường triển khai thực hiện.
Đến nay, Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng là một trong ba cơ sở đào tạo hàng đầu trong khối trường đại học sức khỏe ở Việt Nam về đào tạo phục hồi chức năng, ngôn ngữ trị liệu.
Đại diện NACCET và USAID đã đánh giá cao mối quan hệ phối hợp, triển khai các hoạt động đào tạo của Nhà trường liên quan trong dự án và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Nhà trường cùng các bên liên quan trong thời gian đến.
Một số hình ảnh: